SINH VIÊN KHOA KIẾN TRÚC ĐẠT GIẢI NHẤT TẠI CUỘC THI "THE LAST NUCLEAR BOMB MEMORIAL", LẦN 3

Ngày 14/03/2024

SINH VIÊN KHOA KIẾN TRÚC ĐẠT GIẢI NHẤT TẠI CUỘC THI "THE LAST NUCLEAR BOMB MEMORIAL", LẦN 3

 

THE LAST NUCLEAR BOMB MEMORIAL là một cuộc thi kiến trúc quốc tế thường niên, được tổ chức bởi BUILDNER – một tổ chức đăng cai các cuộc thi quốc tế về kiến trúc. Năm nay, cuộc thi bước vào năm thứ 3 với mục đích tìm kiếm các thiết kế cho một dự án tưởng niệm mang tính ý niệm nhằm ủng hộ lệnh cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Vị trí lựa chọn có thể được đặt tại bất kỳ địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã ngừng hoạt động.  Đây là một cuộc thi “im lặng”, các bài dự thi trong loạt bài này không được phép bao gồm văn bản, tiêu đề hoặc chú thích dưới bất kỳ hình thức nào, các ý tưởng kiến ​​trúc phải được truyền đạt chặt chẽ bằng hình ảnh.

Cuộc thi năm nay đã thu hút gần 200 bài dự thi trên toàn cầu và được đánh giá bởi các kiến trúc sư từ các văn phòng thực hành tên tuổi như MAD Architects, Allford Hall Monaghan Morris | AHMM, SBM Studio, ZJJZ Architects, MIX Architecture, CHYBIK + KRISTOF.


Đồ án THE ISLAND được thực hiện bởi nhóm 3 sinh viên Khoa kiến trúc: Trần Văn Huy – 19510101066 – K19A2, Nguyễn Thị Mỹ Duyên – 19510101027 – K19A2, và Phạm Nguyễn Gia Huy – 19510101063 – K19A2 đã xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi năm nay.

 

Nhận xét của hội đồng Ban giám khảo "Đồ án là một đề xuất mạnh mẽ nhưng yên tĩnh và là một bài thuyết trình rất đẹp. Thông qua sự quan tâm mực nước thủy triều và sinh vật biển địa phương, sự can thiệp có tiềm năng đóng vai trò như một đài tưởng niệm phong phú, nhiều lớp ý nghĩa đồng thời mang lại cho địa điểm này, gợi ý một quá trình chữa bệnh và phục hồi"

Theo nhóm tác giả, khoảng thời gian đầu của quá trình thực hiện đồ án này cũng tương tự như các đồ án mà họ được học trong trường, đó là việc nghiên cứu đề bài, từ định nghĩa của bom hạt nhân cho đến bối cảnh của từng điểm thử nghiệm vụ nổ nguyên tử, … Đây là bước quan trọng vì dường như nó sẽ là nền tảng để họ hình thành nên ý tưởng sau này.

Giai đoạn đề xuất ý tưởng có lẽ là khoảng thời gian nhóm trăn trở nhiều nhất. Khi một phương án, ý tưởng mới được đưa ra, họ sẽ cùng nhau phân tích, đưa ra những quan điểm của riêng mình để kiểm tra liệu rằng đó có phải là phương án tốt nhất hay chưa. Sau nhiều lần đề xuất rồi lại bác bỏ, nhóm dần rơi vào bế tắc. Một vấn đề mà dường như mọi nhóm thiết kế đều sẽ gặp phải. Giống như đi trên một con đường trải đầy sương mù, chúng ta không biết mình sẽ phải đi hướng nào, cho đến khi nhìn thấy tia sáng tờ mờ phía cuối con đường. Trải qua khoảng thời gian dài trăn trở, cuối cùng cũng đã có được một ý tưởng mà nhóm cho là tiềm năng nhất.

Sau cùng là giai đoạn bố cục layout, thường thì đây sẽ là phần nhẹ nhàng nhất, vì họ đã được học và thực hành nó rất nhiều lần. Nhưng đối với cuộc thi này thì lại khác. Việc không cho phép sử dụng bất cứ văn bản nào vào layout khiến việc diễn giải trở nên rất khó khăn, đòi hỏi nhóm phải chắt lọc rất nhiều vào từng hình ảnh, mỗi hình ảnh sẽ phải diễn tả được nội dung cũng như ý tưởng mà nhóm muốn truyền đạt. Từ đó, tạo nên tổng thể layout như một chuyến hành trình mà mỗi bức ảnh trên đó là một khoảnh khắc của thời gian.

Về ý tưởng của bài thi, nhóm bắt đầu nghĩ về hạt nhân, về đài tưởng niệm, về những hậu quả của hạt nhân. Những trầm tư bắt đầu xuất hiện trong đầu mỗi người sau buổi họp nhóm đầu tiên. Hàng loạt những ý tưởng được đề ra và bị loại bỏ trong phút chốc, nhóm biết mình cần phải có thêm những cảm nhận, hiểu thêm những nỗi đau này, từ những thấu cảm đó mới thực sự đưa tới một phương án tốt nhất. Và rồi, những suy nghĩ bắt đầu đồng điệu và thống nhất được một câu chuyện cho đồ án của nhóm. Hình ảnh 2 khoảng trống tròn xoay, đen kịt giữa hòn đảo in sâu vào tâm trí họ, một cảm giác mất mác, đau đớn khôn xiết, cái lỗ ấy tròn xoay, bén ngót, như xoáy sâu vào tận cùng, kéo theo những sinh vật, kéo theo những sự sống hiện diện nơi đây, và thậm chí là để lại nỗi đau tới mãi về sau. Chúng ta không thể nào lấp đầy khoảng trống ấy bằng đất đai, sự vật, không thể khiến hòn đảo quay về toàn vẹn như xưa nhưng chúng tôi nghĩ, bằng niềm tin, bằng hi vọng, bằng thời gian, khoảng trống vật chất, tinh thần ấy sẽ dần được lấp đầy, từng chút một, từng chút một.

Để thể hiện ý tưởng ấy, những cây cọc được tái tạo từ xác san hô chết được cắm thẳng xuống khoảng trống do bom hạt nhân để lại. Những cây cọc có cấu trúc giúp cho các sinh vật dưới nước có thể đu bám vào và sinh sống. Rừng cọc ấy cắm xuống, vừa như tạo thêm niềm tin sự sống, tạo môi trường sinh sống cho sinh vật, vừa là những ngọn lao, nỗi đau cắm thẳng xuống nơi sâu thẳm, nơi hoang tàn mà bom hạt nhân hủy diệt đã để lại, một sự gợi nhắc cho niềm tin cũng như mất mát được gửi gắm nơi đây. Người tham quan sẽ trên con thuyền nhỏ, từ từ tiến vào giữa “khoảng trống”, sự sống như dần được hiện ra và vỡ òa khi con người ta chạm tới điểm trung tâm, nơi sinh khí được phát hiện mạnh mẽ nhất, họ tin, chính ngay lúc đó, con người ta sẽ cảm nhận được hi vọng, được lòng sôi sục và tràn đầy một niềm tin tươi sáng.

Để tìm hiểu thêm về cuộc thi THE LAST NUCLEAR BOMB MEMORIA

2023: https://architecturecompetitions.com/nuclearbombmemorial3/

2024: https://architecturecompetitions.com/nuclearbombmemorial4/

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh