Cảm nhận của sinh viên sau chuyến thăm Đại học Gloucestershire (Anh)

Ngày 25/06/2018

>>  Sinh viên sôi nổi tham dự báo cáo chuyên đề của các giảng viên ĐH Gloucestershire (Vương quốc Anh)

>> Tiếp đại diện trường Gloucestershire (Vương quốc Anh)

Nguyễn Minh Hiếu - Sinh viên năm 5 Ngành kiến trúc cảnh quan  (Khoa Quy hoạch) vừa kết thúc chuyến tham quan trường Đại học Gloucestershire (Anh) từ ngày 07/06/2018 đến ngày 19/06/2018. Chuyến đi của Nguyễn Minh Hiếu thuộc diện học bổng tham quan theo chương trình hợp tác giữa trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh với ĐạiHọc Gloucestershire. Hai trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh (UAH) và Đại học Gloucestershire (UoG) đã ký kết MoU từ tháng 6/2016. UoG đã có nhiều lần cử giảng viên sang UAH tổ chức workshop, báo cáo chuyên để thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị và Mỹ thuật công nghiệp. Hai trường hiện xem xét khả năng hợp tác thắt chặt hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu-đào tạo. 

Dưới đây là bài cảm nhận của sinh viên Nguyễn Văn Hiếu sau chuyến thăm quan học tập.

CẢM NHẬN CỦA SINH VIÊN SAU CHUYẾN THĂM ĐẠI HỌC GLOUCESTERSHIRE

 Giả sử bạn đang làm tốt nghiệp, nhưng bạn được trao cho một chuyến tham quan đến một đất nước phát triển về khoa học kỹ thuật và nền văn hóa lâu đời cách bạn hàng nghìn cây số. Bạn có dám đánh đổi hay không?

Đó là trường hợp của tôi, một sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan năm 5 đang phải tập trung mọi thời gian và tâm huyết để làm tốt nghiệp. Cũng như bao bạn bè khác trong lớp, ai cũng tất bật với binh bài, vẽ máy, làm mô hình,…, tôi nhận được thông báo đã được chọn để đi tham quan tại Đại học Gloucestershire, Vương quốc Anh.

Chuyến đi kéo dài 13 ngày. 10 ngày đầu tôi ở Cheltenham tham dự các lớp học về nghệ thuật cùng với các bạn sinh viên quốc tế và người bản xứ, 3 ngày cuối tôi đến London.

Sau 17 tiếng bay, tôi đặt chân đến London, rồi từ đó đầu tiên đi xe để đến Cheltenham. Cảnh vật thay đổi từ những tòa nhà cao tầng, xe cộ nhộn nhịp đến khi ra ngoại ô thì đồi cỏ bạt ngàn trải dọc hai bên đường rất đẹp. Càng gần đến nơi thì những ngôi nhà kiểu đồng quê ở Anh bắt đầu xuất hiện với nét cổ kính, nhỏ bé, đặc biệt nhà nào cũng có vườn hoa và thật sự nhìn rất đẹp và thích mắt vì đó là sự kết hợp của nhiều chủng loại hoa và cây bụi nhiều màu sắc.

 Cheltenham là một thị trấn nhỏ, cùng với Bath, là những thị trấn Spa cổ kính. Ở đây, tất cả các ngôi nhà không được xây cao quá 3 tầng, thậm chí kiểu kiến trúc cũng phải được xây theo kiểu cũ, không được trở nên hiện đại. Chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng tôi mất cả tuần để khám phá nó. Những nhà thờ rất cổ kính với kiến trúc Gothic, các công trình công cộng khác cũng tận dụng từ các công trình cổ.

Tôi cũng có dịp đi đến Bristol, một thành phố khác cách Cheltenham nửa tiếng đi tàu. Thành phố khá lớn nhưng địa hình dốc như những con phố ở California vậy. Kiến trúc ở đây thì thật sự hoành tráng và cổ điển, có rất nhiều nhà thờ lớn với kiến trúc Gothic đặc trưng và cái nào cũng khiến con người phải thấy qua bé nhỏ trước không gian qua cao lớn.

Điểm thích thú nhất là khi lên cầu Clifton ở phía trên đồi, tôi nhìn được toàn cảnh của một vùng rất xa với thành phố Bristol bên dưới, bến cảng cạnh dòng sông và những ngọn đồi xanh ngát ở rất xa. Hai ngày cuối tuần đầu tiên, tôi tham quan Cheltenham, Montpelier, Gloucester, Bristol và ngày nào cũng về nhà lúc đêm muộn, nhưng thật vui vì mình có cô bạn người Canada cùng đi bộ khám phá từ nghệ thuật đến cảnh quan, từ trải nghiệm ngôn ngữ đến văn hóa.

 



Và rồi tuần lễ về Nghệ thuật của trường cũng đến. Chúng tôi đã đăng ký các lớp học vào trước đó nên theo giờ mà tham dự thôi.

Trước tiên, tôi sẽ giới thiệu về Đại học Gloucestershire. Trường có 3 cơ sở ở Cheltenham đó là Francis Hall, The Park và Hardwick, nhưng hầu hết hoạt động của tuần lễ nghệ thuật thì diễn ra ở Fracis Hall và Hardwick.

Tôi tham dự một buổi nói chuyện và triển lãm ảnh của một nhiếp ảnh gia tại nhà thờ nằm trong khuôn viên cơ sở Francis Hall, lý do chọn lớp này vì tôi rất thích chụp ảnh. Một lớp khác tôi có cơ hội được tham gia cùng với tất cả các bạn ứng viên quốc tế đó là buổi nói chuyện về ngành đồ họa, các anh chị diễn giả nói về quan điểm nghệ thuật của họ và cách mà họ làm ra những sản phẩm ấn tượng.

Hai ngày cuối của tuần đầu tiên, tôi tham gia lớp về nghệ thuật làm phim cổ điển. Chỉ là buổi diễn thuyết nhưng tôi đã được mở mang tầm mắt bởi những kỹ thuật chỉnh sửa hậu kỳ và cách làm nên những đoạn phim ấn tượng của những thế kỉ trước.

Điều tôi cảm thấy tâm đắc trong chuyến đi đó chính là được gặp gỡ và trao đổi về kiến thức chuyên ngành cảnh quan với một giảng viên ở trường. Thầy đã cho tôi nhiều lời khuyên và gợi ý những nơi cần tham quan để phục vụ cho đồ án tốt nghiệp. Mặc dù không có đủ thời gian để đi thực tế những nơi thầy đã đề xuất nhưng tôi cũng có thêm được nguồn tham khảo cho bài của mình, như vậy cũng đã an ủi được phần nào.

Rồi 10 ngày tham quan ở Cheltenham cũng kết thúc. Tôi chia tay các bạn ở trường và các ứng viên quốc tế khác. Ba ngày cuối tôi dành thời gian tham quan ở London. Thật sự khác biệt với Cheltenham, Gloucester hay Bristol, London giống như thành phố Hồ Chí Minh vậy, rất nhộn nhịp và đông đúc.

Thứ khiến tôi ngỡ ngàng đó là kiến trúc của thành phố, rất cổ kính, hoành tráng và tỉ mỉ. Những điểm đến nổi tiếng tôi đến không giống mong đợi nhưng được chiêm ngưỡng bằng mắt những chi tiết điêu khắc cầu kì, hấp dẫn, hay những vườn hoa rực rỡ giữa nền cỏ xanh ngát trong các công viên cũng quá xứng đáng cho một chuyến đi rồi. Điện Buckingham sẽ không vắng người nếu như bạn chỉ muốn chụp cả tòa cung điện nguy nga với những anh lính đội chiếc mũ lông thật cao.

Tháp đồng hồ  ẩn mình sau hệ giàn bao che trong vòng hai năm nữa sau khi kết thúc thời gian bảo trì giống như nhà thờ Đức Bà ở mình vậy. Công viên Hyde và vườn Kensington thì dài hàng cây số và bạn đi mãi vẫn không thể nào đi hết. Quảng trường Piccadilly sẽ là trải nghiệm đầu tiên nếu bạn muốn trải nghiệm Timesquare ở New York, thật sự đông vui, nhộn nhịp và ấn tượng bởi những tòa nhà có kiến trúc cổ điển xung quanh quảng trường.

Điều may mắn nữa là tôi được khám phá gần hết công viên Olympic ở Walthamstew, từ cách thiết kế khu Wetland kết nối với không gian vui chơi trẻ em đến cảnh quan dọc bờ sông dẫn đến sân vận động West Ham, Cung thể thao dưới nước và tháp quan sát khổng lồ. Từ cây xanh, vật liệu, màu sắc được kết hợp hài hòa khiến tôi cứ muốn đi chụp cho hết những điều thú vị trong công viên.

Tôi đã “đánh đổi” 2 tuần làm bài để tham quan nước Anh như vậy đó. Dĩ nhiên là tôi vẫn dành mỗi ngày 02 tiếng để làm bài tốt nghiệp, thậm chí còn gặp thầy để trao đổi nữa cơ mà.

Trước khi đi tôi đã xác định đi tham quan, học hỏi là chính, nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi quá tận hưởng chuyến đi nên tôi  phải lên kế hoạch chuẩn bị bài để có được kết quả tốt.

Cuối cùng, tôi muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên kiến trúc nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung một điều đó là nếu bạn có cơ hội được đi và trải nghiệm thì đừng ngần ngại từ chối vì đó là cơ hội để bạn được mở mang tư duy và tầm mắt.

Chuyến đi đã kết thúc, giấc mơ trải nghiệm ở những vùng đất mới của tôi đã trở thành hiện thực nhờ có sự giúp đỡ và động viên thăm hỏi nhiệt tình của các thầy cô ở trường và sự hậu thuẫn vững chắc của gia đình. Xin cám ơn tất cả mọi người!

Nguyễn Minh Hiếu

(Sinh viên năm 5 – Ngành kiến trúc cảnh quan – Khoa Quy hoạch)

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh