Cảm xúc từ chuyến về nguồn của chi bộ SV khoa Quy hoạch và Kỹ thuật Đô Thị

Ngày 24/05/2018

Ngày 20/5/2018 vừa qua Chi bộ sinh viên khoa Quy hoạch và Kỹ thuật đô thị có chuyến về thăm Địa Đạo Củ Chi và hoạt động từ thiện tại trại trẻ mồ côi Chùa Hoằng Pháp.

Trải qua hơn 4000 nghìn năm dựng nước và những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, đất nước Việt Nam có nhiều biết bao những câu chuyện, những tấm gương anh hùng sống mãi với thời gian và số lượng lớn di tích lịch sử, để lớp lớp thế hệ sau trở về thăm, cảm nhận và không khỏi  xúc động trước những gian khổ hào hùng, hy sinh anh dũng của cha anh, của đất nước.

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Trong 20 năm hoạt động, khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.

Vừa đến Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, hình ảnh đầu tiên tôi thấy llà chiếc xe tăng cũ kĩ, kế bên chiếc trực thăng đã rụng cánh, nhìn ra xa là hàng tá những vỏ bom, phòng trưng bày thì vô số các loại súng chiến đấu… Tôi tự hỏi ngày ấy, nơi đây bao nhiêu con người đã xuống, chiến sĩ mất đồng đội, mẹ mất con, vợ mất chồng, bao nhiêu giọt nước mắt, đến đây lòng tôi nghẹn lại.

Được hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên có, mà đó là xương máu, tâm huyết của biết bao người con trẻ tuổi ưu tú của đất nước.

Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử, tuổi trẻ đều nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ. Đơn cử, những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu... đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc.

Đây là những thanh niên anh hùng của thế hệ trước, còn lớp thanh niên ngày nay thì sao? Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn.

Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn:“ Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?” Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Đến Củ Chi, tôi đã tận tay sờ và bò trong từng khúc hang tối, nhỏ hẹp và ngột ngạt; ăn củ mì luộc chấm muối; tận tay chạm vào dòng nước mát, làm dịu những giọt mồ hôi khi mới chui từ một khúc hang lên... nó chẳng thấm vào đau với ngần ấy năm tháng sinh sống và chiến đấu anh dũng của cha anh.

Nếu không đến tận nơi, có lẽ sẽ khó cảm nhận hết những gian khổ ấy, để rồi biết trân quý những điều đang có hôm nay và phấn đấu cho ngày sau.

Dời địa đạo Củ Chi, Chi bộ ghé thăm và tặng quà trại trẻ mồ côi chùa Hoằng Pháp. Ở đây có 14 em, trong đó có hai bé gái.  

Các em ở trại mồ côi, có em vì gia đình hoàn cảnh quá khó khăn nên xin gửi Chùa nuôi, có em bị bỏ rơi… Nhìn các em nói cười, nô đùa, hồn nhiên, tôi thầm cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện đã cứu giúp, nuôi dưỡng từng ngày, để các em được tiếp tục sống, được làm người.

Sau chuyến đi, trong tôi đọng lại là niềm cảm phục, lòng biết ơn, niềm tự hào, thêm trân quý nền Độc lập – Tự do, và phấn đấu, rèn luyện bản thân.

Tôi tự nhắc mình phấn đấu sống là một người có ích, biết cách lắng nghe, học cách cho đi để sống chậm lại, cảm nhận ý nghĩa cao thượng của cuộc sống này và từ đó trách nhiệm với chính bản thân, trách nhiệm về điều mình làm với từng con người, từng mảnh đời, và với cả thiên nhiên quanh mình.

Bài và ảnh: Phan Thị Xuân Thảo (Đảng viên Chi bộ sinh viên khoa Quy Hoạch và Kỹ Thuật Đô Thị)


Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh