Hai trò 9X, một cô 8X

Ngày 18/10/2013

Bài viết của Nguyễn Tri Phương Đông đăng trên Tuần báo Tuổi trẻ cuối tuầnsố ra ngày 14/9/2013

Tiếp cận lịch sử bằng đồ họa, với đề tài truyền thống, là chọn lựa của hai sinh viên Đại học Kiến trúc và Đại học Công nghệ Sài Gòn cho đề án tốt nghiệp năm 2013. Giáo viên hướng dẫn của họ - thạc sĩ Nguyễn Phan Thùy Dương - cũng là một người trẻ 8x.

Hãy xem các thầy cô 8X và học trò 9X của họ cùng thành công ra sao?



 

Nhân “Pháp Lam”

Pháp lam là tên gọi đồ đồng được tráng men màu và nung chín. Được chế tác thủ công từ các kỹ nghệ tích hợp, phức tạp và tốn kém, các sản phẩm này là đồ dùng, đồ tế tự, các chi tiết, mảng trang trí nội, ngoại thất cung điện, lăng tẩm.

Theo sử sách từ Internet, vào năm 1827 vua Minh Mạng đã du nhập pháp lam vào xứ ta, bằng việc thuê thợ Trung Hoa qua làm và truyền kỹ nghệ. Chiếu chỉ này của nhà vua dường như đã khai sinh thế hệ họa sĩ mỹ thuật ứng dụng đầu tiên trong lịch sử Việt, đó là trang trí, thiết kế nội thất, thiết kế tạo dáng. Dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí chuyên biệt tại cung đình triều Nguyễn, cố đô Huế từ ấy đã được gọi thành tên: pháp lam Huế.

Thất truyền đã hơn 100 năm, di sản độc đáo này, một hôm đẹp trời của năm 2013, đã dậy men cảm hứng cho anh sinh viên đồ họa xứ dừa Huỳnh Hiếu Nhân. Các hình ảnh sinh hoạt phố phường như trà chanh, mì gõ hay cà phê bệt, kẹt xe... được ước lệ điệu đàng, viền nét tỉ mỉ và khảm màu vào các ô kiểu bích họa. Chút ồn ã Sài Gòn, thoáng nền nã ô cửa cấm cung, vẻ thanh tao tươi trẻ đã được nhà thiết kế đồ họa này chọn lọc và diễn đạt mạnh mẽ trong sự dịu dàng.

Mô phỏng đồ họa nét và màu từ tinh thần pháp lam trang trí, diễn đạt như đồ họa cổ trang, hệ thống họa tiết trong đồ án tốt nghiệp ngành đồ họa của Huỳnh Hiếu Nhân vừa Sài Gòn hóa pháp lam Huế, vừa vàng son hóa các tín hiệu thị thành đã khéo hòa quyện, lại hiện hình đúng lúc với kiểu nét vụng về, hồn nhiên của anh.

Phát triển đặc trưng của dạng họa tiết này, từ uy lực li ti của tín hiệu màu, âm vang của tổ hợp nét, và nhân bản chúng linh động trên nhiều vật dụng tiếp thị, tiếng xưa vọng vào hình nay hẳn sẽ là cảm giác nhiều người có được.

Hai khái niệm “dân tộc” và “hiện đại” trong đa số các cuộc tìm về cội nguồn quen thuộc của các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng thường chỉ đạt được một, hoặc hơn một tí. Cuộc tìm tòi của Hiếu Nhân đáng chú ý là được cả hai: anh đã thành công. Cho dù như hầu hết các đồ án tốt nghiệp đến nay, chúng vẹn mà chưa tròn.

 

Phong “gia phả”

Bên trong và ngoài cửa nhà của một gia đình Việt hôm nay đã có bao đổi thay và các thách thức ngày càng lớn. Vì nhiều lẽ đời, đôi khi những thành viên dòng họ ngụ cạnh phường nhau mà chả hề biết, hay họ mạc mà bặt tin nhau đến nửa đời người, cho thấy ly hương, lưu lạc là tình cảnh không chỉ của những người biệt xứ.

Ở lứa tuổi 20, Trần Hàn Phong nhận ra điều này khi sống với cộng đồng mạng, rồi chạm đến “gia đình” - một loại cộng đồng. Liên kết các khái niệm truyền thống, cộng đồng, xã hội, mạng xã hội, Phong nhận ra rằng phần hiển thị của giá trị lịch sử gia đình là gia phả cần được gia tăng ý nghĩa thiêng liêng, sự gắn bó bằng cách cập nhật qua mạng Internet.

Ý tưởng về một website gia phả trực tuyến, định dạng mạng xã hội của Trần Hàn Phong ra đời.

Cây phả hệ, hay tông đồ, từng có lâu nay, nhưng tổ chức theo định dạng mạng xã hội, lại ở Việt Nam, là lần đầu tiên. Gia phả dạng mạng xã hội do Phong thiết kế tham gia gắn kết bà con anh em con cháu, ý thức thêm về lịch sử và bản sắc gia đình, tự hào về tiền nhân, và xa hơn là giống nòi và truyền thống.

Chia sẻ riêng tư, giao lưu cộng đồng, dòng họ, ghi nhận, nhắc nhớ cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật, tốt nghiệp... là các chức năng chính trong kiến trúc thông tin và tổ chức trang thứ cấp. Ích lợi thường trực khiến người trẻ quan tâm hơn, người lớn chịu tìm hiểu, bổ sung hơn, nhu cầu kiếm tìm và củng cố quan hệ mạnh mẽ hơn.

Thêm một lần tôi hình dung bài của Phong trước mắt, và tin rằng khái niệm “gia đình” đúng nghĩa nhất hẳn chỉ dành cho loài người.

Trần Hàn Phong đã “làm hết mình, hài lòng mình” với đồ án “Hệ thống web và ứng dụng thông tin phả hệ gia đình định dạng mạng xã hội” như vậy.

Một ở ĐH Kiến trúc, một học ĐH Công nghệ Sài Gòn, các đồ án tốt nghiệp của họ cho thấy cách của hai trong số những nhà thiết kế đồ họa tuổi 20 chạm đến hay hướng về nguồn cội. Họ còn có điểm gì chung? Đó là có cùng một giảng viên hướng dẫn: Thùy Dương.

Thùy Dương Savannah

Những ai có dịp du học từng ít nhất một lần trong đời thoáng nghĩ đến, hay cháy bỏng một ước mong về lại quê hương làm người đứng lớp, chia sẻ kiến thức cho đàn em từ những gì mình làm việc, quan sát, hít thở trong không gian học thuật tiên tiến và cập nhật. Nguyễn Phan Thùy Dương là một ví dụ.

Nguyện ước ngày nào của cô nay đã hiển hiện thường nhật - cô thạc sĩ thiết kế tươi trẻ tốt nghiệp ngôi trường hàng top SCAD (Savannah College of Art and Design, Mỹ), đã trở lại nơi mình học khi xưa - khoa mỹ thuật công nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM - để giảng dạy với đam mê và năng lượng mới như một Thùy Dương khác.

Trong sư phạm nghệ thuật, truyền nghề là phương thức dạy học thường trực, hiệu quả nhất. Với giáo dục thiết kế là hướng dẫn đồ án (sửa bài). Các sinh viên sắc cạnh hôm nay thường tiếp thu chỉ bảo của thầy cô qua việc đo lường nhân cách, phương pháp, hệ luận, kỹ năng và uy tín nghề, cùng tác phẩm/sản phẩm thực tế của họ.

Sự ảnh hưởng từ người giảng viên đến cuộc vuông tròn của sinh viên là có thể nhận thấy. Không có nhiều giảng viên ý thức đến cùng rằng cách thức và quá trình sửa bài cũng chính là sáng tạo, nghĩa là chưa bao giờ là việc dễ dàng. Cô giáo Thùy Dương cảm giác rõ thêm điều này trong khi hướng dẫn tốt nghiệp cho lứa sv đầu tiên trong đời giảng dạy của mình.

Cô nhận xét về Nhân “pháp lam”: “Một sinh viên có năng lực thẩm mỹ tốt, chịu khó tìm tòi, quan sát nhạy bén và một nội tâm phong phú”.

Còn Phong “gia phả”: “Có được sự cẩn trọng, tỉnh táo hiếm thấy với năng lực tự nghiên cứu tốt. Mỗi đồ án của Phong là một bất ngờ được đoán trước”.

Một người Mỹ mà ai cũng biết - Benjamin Franklin - từng nói: “Thất bại trong việc chuẩn bị là chuẩn bị để thất bại”. Từ cách Nguyễn Phan Thùy Dương từng chuẩn bị và đào luyện hơn 10 năm nay như tôi biết, chưa có lý do cho thấy cô giảng viên đời mới này sẽ không thành công. Cách chuẩn bị ấy đã được cô giáo 8X này truyền cho lứa sinh viên thiết kế 9X của mình, ít nhất từ hai đồ án hướng đến cội nguồn mà bạn vừa xem.

Một thế hệ sinh viên đời mới đã đòi hỏi có được những người thầy đời mới hay tinh thần đời mới như vậy. Một tín hiệu vui.

 


 

 


 

  Nguyễn Tri Phương Đông - Communication Designer

 

 

 

 

 



Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh