Khoa Lý luận chính trị sinh hoạt học thuật về nhân vật Thương Ưởng

Ngày 10/04/2014

Buổi sinh hoạt học thuật của Khoa Lý luận chính trị (Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh) diễn ra hôm 9/4.

Chủ trì  buổi sinh hoạt học thuật là tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh – Trưởng Khoa Lý luận chính trị, với sự tham dự của toàn thể giảng viên trong khoa.

Tại buổi sinh hoạt học thuật, tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh đã trình bày bài viết với chủ đề: “Tư tưởng “hình pháp” của Thương Ưởng và bài học lịch sử của nó đối với việc hoàn thiện hệ thống Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam hiện nay”.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh - tác giả bài viết chủ đề của buổi sinh hoạt học thuật trao đổi cùng các ý kiến thảo luận của các giảng viên tham dự


Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh: “Thời Xuân thu (770 – 476 Tr. CN), một số học giả chính khách nắm được thực quyền các nước chư hầu đã chủ trương dựa vào luật pháp để cải biến tình hình chính trị - xã hội đen tối đương thời. Chủ trương này đã được thực thi ở một số nước như: Tử Sản là tướng quốc nước Trịnh đã soạn và công bố Hình thư – sách luật, Phạm Tuyên Tử ở nước Tấn cho đúc Hình đỉnh (đỉnh đồng khắc văn bản luật), Lý Khắc ở nước Ngụy thâu tóm tinh hoa luật lệnh ở các nước chư hầu, viết bộ Pháp Kinh gầm 6 quyển. Người chủ trương pháp trị một cách khá đặc sắc, triệt để và đạt được những kết quả to lớn là Thương Ưởng.”.

Bài báo cáo của tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh cũng thông tin: “Thương Ưởng là nhà chính trị có tài, được Tần Hiếu Công trọng dụng làm tể tướng. Trong mười năm từ năm 359 đến năm 350 trước Công nguyên, Thương Ưởng đã giúp Tần tiến hành hai cuộc hiến pháp, cải cách luật pháp, hành chính, nhà nước, cải biến chế độ kinh tế làm cho nước Tần mau chóng hùng mạnh lần lượt thôn tính sáu nước Tề, Sở, Hán, Triệu, Ngụy, Yên trong cục diện “thất hùng” thống nhất toàn bộ Trung Quốc”.

Dựa trên những phân tích về tư tưởng của Thương Ưởng đặt trong bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị thực tế của xã hội đương thời, tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh nhận định, “mấu chốt của pháp lệnh Thương Ưởng nằm trọn trong sáu chữ: “Trọng giàu, khuyến chiến, cấm gian”.


Chủ đề buổi sinh hoạt học thuật thu hút sôi nổi ý kiến thảo luận của các giảng viên tham dự

Tác giả bài báo cáo cho rằng: “tư tưởng pháp lệnh của Thương Ưởng nếu gạt bỏ những mặt hạn chế về mặt lịch sử - xã hôi, nó có giá trị và bài học rất lớn đối với sự nghiệp phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay.”. Từ đó, tác giả rút ra 4 bài học như sau:


Bài học đầu tiên rút ra từ việc nghiên cứu tư tưởng “hình pháp” của Thương Ưởng đó là; để xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật đòi hỏi chúng ta phải trau dồi tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Bài học thứ hai rút ra từ tư tưởng “Hình pháp” của Thương Ưởng đó là việc thực hiện pháp luật và thưởng phạt phải nghiêm minh chuyên nhất.

Bài học thứ ba rút ra từ tư tưởng “hình pháp” của Thương Ưởng đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật.

Bài học thứ tư rút ra từ tư tưởng “hình pháp” của Thương Ưởng đó là việc dùng người, thể hiện ở sự đổi mới cơ chế, chính sách phát hiện tuyển trọn, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
                                                                                   
  (Trích bài viết của tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh)

Bài báo của tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh đã thu hút các ý kiến thảo luận sôi nổi của các giảng viên Khoa Lý luận chính trị.

Các ý kiến chủ yếu tập trung phân tích những điểm hợp lý và chưa hợp lý của các bài học được tác giả rút ra khi áp dụng vào thực tế Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt học thuật, tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh cám ơn những ý kiến thảo luận của các thầy cô tham dự, và cho biết sẽ căn cứ, tham khảo những đóng góp này để hoàn thiện đề tài.

L.Hương







Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh