“Làm thế nào để SV kiến trúc gắn bó với giảng đường các môn học LLCT một cách tự giác”

Ngày 09/09/2014

Buổi sinh hoạt học thuật cấp khoa, chủ đề: “Làm thế nào để sinh viên kiến trúc gắn bó với giảng đường các môn học lý luận chính trị một cách tự giác” diễn ra sáng 9/9 thu hút nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi.

Chủ trì bài nghiên cứu và trình bày là ThS Trần Trọng Oánh – nguyên Trưởng Bộ môn Lý luận Chính trị (Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh).


ThS Trần Trọng Oánh - tác giả đề tài và TS Nguyễn Văn Trịnh - Trưởng Khoa LLCT tại buổi SHHT

ThS Trần Trọng Oánh nêu vấn đề, việc ít sinh viên hứng thú với các môn khoa học Mác – Lê nin là thực trạng khiến cho các giảng viên dạy môn này phải suy nghĩ. 

Thông qua thực tiễn và kinh nghiệm giảng dạy của mình, ThS Trần Trọng Oánh trăn trở: đa số sinh viên Kiến trúc có chung suy nghĩ rằng các môn học Lý luận chính trị ít liên quan và không giúp ích gì cho nghề nghiệp của các em khi ra trường.

Từ đó tác giả băn khoăn: Phải chăng nội dung các môn khoa học Mác-Lênin không còn phù hợp với thời đại? Phải chăng khoa học Mác-Lênin không liên quan đến các môn học chuyên ngành và nghề nghiệp sau khi ra trường?…

Từ thực trạng của sinh viên, với tình yêu nghề nghiệp và sự tâm huyết với môn học, tác giả nêu vấn đề: hãy đi tìm lời giải làm sao để lôi cuốn sinh viên, trong đó có sinh viên Kiến trúc đến với giảng đường các môn học Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách tự giác.


Buổi SHHT thu hút nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi

 “Những giáo viên lý luận chính trị chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra biện pháp lôi cuốn sinh viên đến giảng đường, với mong muốn làm cho thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin thấm sâu vào suy nghĩ của mỗi sinh viên để sau khi ra trường họ có một thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn vận dụng vào trong công việc hàng ngày”, tác giả nêu ý kiến.

Với câu hỏi: làm thế nào để lôi cuốn sinh viên Kiến trúc hào hứng đến với giảng đường các môn học Lý luận chính trị, tác giả xuất phát từ việc nghiên cứu cấu trúc của ý thức trên cơ sở các yếu tố cấu thành (trước đây sách triết học gọi cấu trúc theo chiều ngang) và theo chiều sâu của nội tâm (theo chiều dọc) trên quan điểm của triết học Mác-Lênin.  

 Trên cơ sở đó, ThS Trần Trọng Oánh phân tích và đề xuất phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, kết hợp thực tế môn học-sinh viên-xã hội…

 Buổi sinh hoạt học thuật đã thu hút 13 ý kiến tham gia trao đổi và thảo luận của các giảng viên tham dự.

 Theo đó, các ý kiến đều thống nhất đề cao phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, tạo sân chơi trong học tập các môn khoa học Mác- Lê nin cho sinh viên nhưng không tuyệt đối hóa mà phải áp dụng linh hoạt.

Đồng thời, các giảng viên tham dự buổi sinh hoạt học thuật cũng cùng nhau trao đổi, giải quyết những vướng mắc, trở ngại có thể xảy ra nếu áp dụng phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, kết hợp thực tế môn học - sinh viên - xã hội...


L.Hương

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh