Sơ kết hai năm thực hiện Đề án “Đào tạo nhân lực các tỉnh thành, vùng Tây Nam bộ”

Ngày 30/09/2014

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ” diễn ra hôm 28/8 tại Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh (cơ sở Cần Thơ).

>>Tuyển sinh theo đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh thành vùng Tây Nam Bộ" 2014

Hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Xây dựng), Quân khu 9, Đại học Kiến trúc TP.HCM và đại diện 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Hội nghị thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Các đại biểu đã nghe ThS Ninh Quang Thăng - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh) báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án và triển khai thông báo tuyển sinh năm học 2014 - 2015.

Theo báo cáo, đối với Khóa hoàn chỉnh kiến thức, năm học 2013 – 2014 số sinh viên được các tỉnh thành thuộc Tây Nam bộ xét duyệt cử đi học là 223 người. Số người làm thủ tục nhập học là 187, trong đó 159 người học Khóa hoàn chỉnh kiến thức, 28 người đủ điều kiện miễn học Khóa học hoàn chỉnh kiến thức được học ngay Khóa chính thức.

Đối với Khóa chính thức năm 2013 có 252 sinh viên, trong đó có 224 sinh viên do đã hoàn thành khóa học chính thức năm 2012 (khóa 1) và 28 sinh viên do được miễn Khóa hoàn chỉnh kiến thức năm 2013. Học kỳ I, có 4 sinh  viên Khóa học chính thức đã được nhận học bổng khuyến khích học tập...




Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và NGƯT.PGS.TS.KTS Phạm Tứ - Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP.HCM chủ trì hội nghị

ThS Ninh Quang Thăng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Đại học Kiến trúc TP.HCM) báo cáo sơ kết tại Hội nghị

Về sinh hoạt Đoàn thể, Trường tổ chức các chi đoàn theo các lớp. Hiện có 4 người Khóa học hoàn chỉnh kiến thức và 4 sinh viên Khóa chính thức là Đảng viên đã sinh hoạt Đảng trong Chi bộ Đảng của Trường tại Cơ sở đào tạo tại thành phố Cần Thơ…

Báo cáo cũng cho biết, ngày 11/8 vừa qua, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm 4 ngành: Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp vào chương trình giảng dạy, đào tạo cử tuyển.


Ông Trần Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng)


Ông Võ Trọng Hữu - Vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)

Tham luận tại Hội nghị, ông Võ Trọng Hữu, Ủy viên chuyên trách kiêm Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhận định: đề án khá rộng mở, thiết thực, tạo nhiều cơ hội cho các học sinh khu vực Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Hữu, “đề án còn nặng về xét tuyển theo địa chỉ, thông tin về đề án chưa sâu rộng đến học sinh và các phụ huynh. Việc đề án chỉ đào tạo theo 4 ngành cũng còn ít, khiến học sinh khó lựa chọn…”

Ông Hữu đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị và phương tiện truyền thông đại chúng thông tin về đề án rộng rãi đến người dân  khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng các quận, huyện cần chủ động tự xác định nhu cầu của địa phương mình như thế sẽ sát thực tế hơn.

Theo bà Ánh, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh nên đề nghị tổ chức sơ kết 02 năm cấp Bộ, nhằm đánh giá toàn diện hiệu quả cũng như những điều chưa làm được của đề án đến giai đoạn này. Còn ông Trần Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Xây dựng) lưu ý báo cáo sơ kết cần rõ ràng cụ thể hơn nữa, chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế qua hai năm triển khai.

 
Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội nghị


Các đại biểu: Trương Công Mỹ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, Đoàn Viết Hồng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, Lưu Đình Khẩn - Giám đốc Sở Xây dựng Long An đóng góp nhiều ý kiến thiết thực

Ngoài ra, Hội nghị đã nghe ý kiến của các đại biểu: Lưu Đình Khẩn - Giám đốc Sở Xây dựng Long An, Đoàn Viết Hồng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến tre, Trương Công Mỹ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ…

Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung xoay quanh các vấn đề: thông báo tuyển sinh của đề án phát hành chậm, thông tin về đề án chưa phổ biến sâu rộng nên không đến được với đông đảo người học; đề nghị Nhà trường định kỳ gửi thông báo kết quả học tập của các sinh viên cho các địa phương… Các đại biểu cũng nhất trí việc xin mở thêm 4 ngành đào tạo cho đề án gồm: Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp.

NGƯT.PGS.TS.KTS Phạm Tứ - Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh đã lần lượt giải đáp mọi thắc mắc của các đại biểu ngay tại Hội trường.

Trong đó, riêng về ý kiến thông báo tuyển sinh quá gấp gáp, thầy Phạm Tứ trao đổi: theo đúng lộ trình đã thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thông báo tuyển sinh hàng năm của hệ cử tuyển phải phát hành sau khi đã có kết quả của kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng quốc gia. Do đó, Đại học Kiến trúc TP.HCM mong các địa phương chia sẻ, phối hợp cùng rút ngắn và đẩy nhanh tiến độ xét tuyển sau khi Nhà trường phát hành thông báo tuyển sinh.

Thầy Phạm Tứ cũng mong các quận, huyện chủ động xác định nhu cầu đào tạo từ địa phương. Về cơ chế hỗ trợ, Trường đảm bảo các chế độ chính sách đối với sinh viên diện cử tuyển như đối với sinh viên hệ chính quy; các sinh viên hệ cử tuyển năm cuối sẽ được đưa về TP.Hồ Chí Minh để thuận lợi cho việc làm đồ án tốt nghiệp... Thầy Hiệu trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương, sinh viên và phụ huynh cùng phối hợp tốt với Nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chính thức thông tin: Thực hiện đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ", sau hai năm triển khai, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, Quân khu 9 và các tỉnh thành trong vùng đã tổ chức xét tuyển được 473 sinh viên; trong đó, đào tạo cho mỗi quận, huyện thuộc các tỉnh thành trong vùng 4 chỉ tiêu ứng với 4 ngành: Kiến Trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Đây là những ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu hiện nay của vùng về công tác lập quy hoạch quản lý dự án đầu tư, giám sát thi công, góp phần đảm bảo mỹ quan và nâng cấp các đô thị ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Quốc Việt đề nghị trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tình hình thực tế trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, bổ sung các ngành đào tạo sau đại học vào đề án nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Tây Nam bộ.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long và hoàn thiện đề án "Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ", Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chỉ đạo các địa phương trong thời gian tới tập trung đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng.

“Ban chỉ đạo giao chỉ tiêu cho UBND, căn cứ tình hình cụ thể để chính quyền địa phương giao chỉ tiêu cụ thể, chính quyền các địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ học sinh một phần hoặc 100% nhưng phải có cam kết của gia đình”, ông Việt nói.

Kết luận Hội nghị, NGƯT.PGS.TS.KTS Phạm Tứ cám ơn Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp với Trường triển khai thực hiện đề án trong hai năm qua.

Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh mong Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các quận huyện, học sinh và phụ huynh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. “Về phía Nhà trường, chúng tôi cam kết đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và thái độ”, thầy Phạm Tứ nhấn mạnh.

NGƯT.PGS.TS.KTS Phạm Tứ cũng cho biết, sau Hội nghị này sẽ điều chỉnh ngay một số vấn đề có thể thay đổi trong phạm vi  của Nhà trường theo đóng góp của đại biểu; đồng thời hoàn thiện báo cáo sơ kết, trong đó nêu cụ thể những ưu điểm, hạn chế gửi tới Bộ Xây dựng, Bộ giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương.


Đề án “Đào tạo nhân lực các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại công văn số 794/BGDĐT- GDĐH ngày 22/2/2012.

Theo đề án, mỗi năm Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM được giao nhiệm vụ đào tạo mỗi Quận/Huyện thuộc các tỉnh thành, vùng Tây Nam Bộ 4 chỉ tiêu ứng với 4 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật đô thị.

Theo kết quả cuộc họp ngày 11/8/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh thống nhất đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm các ngành đào tạo: Thiết kế nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp.

Người được xét đi học sau khi học khóa học hoàn chỉnh kiến thức với thời gian 10 tháng, đạt yêu cầu theo quy định mới được học Khóa học chính thức.

Khóa học chính thức có thời gian học là 4,5 năm bao gồm 135 tín chỉ. Người học hoàn thành khóa học chính thức được cấp bằng kiến trúc sư (đối với các ngành kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị) hoặc bằng kỹ sư đối với ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật đô thị.

Người học không hoàn thành khóa học chính thức nhưng tích lũy đủ 90 tín chỉ, bao gồm các học phần được quy định trong chương trình đào tạo sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trình độ Cao Đẳng.

Người học nộp trực tiếp kinh phí đào tạo cho Trường Đại học kiến trúc TP.HCM theo từng học kỳ. Danh sách người được xét đi học do các tỉnh thành đề nghị, được ban chỉ đạo Tây Nam bộ phê duyệt và Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh xét tuyển.

 

L.Hương

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh