Vài nét về nguồn gốc Lễ hội truyền thống của SV Đại học Kiến trúc TP.HCM

Ngày 21/12/2015

Trong hồi ức của KTS Trần Quang Minh, cựu giảng viên của trường, lễ truyền thống này có trước ngày giải phóng. Cha đẻ của lễ hội là cố KTS Nguyễn Quang Nhạc, thủ lĩnh sinh viên một thời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris.

Thời đó, toàn bộ tân sinh viên khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, bất kể nam nữ, phải tuân thủ thông lệ hành xác khủng khiếp bằng cách chạy bộ trong giá rét trên đường phố với trang phục của Adam và Eva.

Trong lễ nhập môn đáng nhớ của đời mình, tân binh Nguyễn Quang Nhạc đã làm đám "đàn anh đàn chị" vô cùng sửng sốt bởi một hành động rất hài hước.

Quay về Việt Nam giảng dạy, KTS Nhạc đem lễ nhập môn mang phong cách phương Tây về quê nhà, cải biên một chút cho phù hợp với phong tục Việt Nam. Dưới sự “chủ xị” của ông, sinh viên kiến trúc bắt đầu tổ chức lễ truyền thống của mình, tôn vinh tướng quân Cao Lỗ, người thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa làm thần Kiến trúc Việt Nam. Sau giải phóng, hình thức lễ hội này tạm ngưng.

Mãi đến năm 1982, hội truyền thống kiến trúc được khôi phục do KTS Trần Quang Minh (biệt hiệu Minh Bò, con trai của GS-TS Trần Văn Khê) và người đàn em là KTS Nguyễn Phước Thiện. 

Ông Minh cho biết: "Lễ truyền thống thường có hai tiết mục "rửa tội" và "lột áo" với sự xuất hiện của hai nhân vật ông Táo và Pháp sư. Ông Táo có nhiệm vụ đọc sớ liệt kê mọi uất ức liên quan đến chuyện học hành, thi cử của sinh viên. Trong khi đó, Pháp sư đại diện cho phía nhà trường giải đáp mọi sự vụ thắc mắc và kiện cáo. Thực chất, sinh viên mượn hai nhân vật này để đòi "quyền dân chủ".

Dân kiến trúc là những tay giỏi đủ loại ngón nghề vui chơi nhảy múa. Từ trình diễn ca nhạc, tấu hài, trình diễn thời trang, vẽ biếm họa, thư pháp, cho đến tài làm đồ lưu niệm để bán với giá cao. Thế nhưng, những trò nghịch ngợm, không năm nào giống năm nào, mới chính là "cái đinh" trong dịp lễ truyền thống, khiến rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn không thể nào quên.

KTS Vương Hoàng Lê, Á khoa kỳ thi tốt nghiệp K.91 kể: "Tôi nhớ màn tiếp đón tân sinh viên quá ấn tượng. "Bọn tôi bị lùa vào đường hầm tối tăm dài khoảng 10 mét, treo đầy những nùi giẻ bê bết phẩm màu. Trên đường đi, bỗng nhiên một tên quỷ dạ xoa nấp trong bóng tối chồm ra, ném một đống giẻ rách hôi hám vào mặt tôi". 

Giám đốc của Công ty Thiết kế xây dựng LDC hồi tưởng: "Đường hầm được lót bằng những cây nước đá lạnh ngắt. Đứa nào đứa nấy té uỳnh uỵch. Ra khỏi đó thì áo quần có bảnh bao cấp mấy cũng te tua xơ mướp. Vừa mắc cười vừa sợ. Đâu đâu cũng thấy đoàn vệ sĩ "đầu trâu mặt ngựa" mặc khố, tay cầm gươm đao, đuốc lửa sáng rực. Chân ướt chân ráo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn học, tôi sốc quá, buột miệng "Trời, đại học là vậy sao?".

KTS Nguyễn Huy Văn, thành viên nòng cốt của phong trào sinh viên K.93, cho hay: "lễ rửa tội" luôn kèm theo những màn "nhục hình" hấp dẫn. "Có năm, trên lễ đài xuất hiện một cái bồn cầu khổng lồ. "Nước thánh" được múc lên từ chiếc bồn cầu rồi tưới lên đầu một nam sinh viên, đại diện cho những tân binh năm nhất. Lễ lột áo cũng hấp dẫn không kém. Đại diện cho sinh viên sắp ra trường bị bắt cởi bỏ hết trang phục, đến khi thân thể chỉ che chắn bởi độc chiếc underwear có gắn thêm một ổ khóa to đùng...".

Từ năm 1999, Đoàn trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đích thân tham gia khôi phục lễ hội, không còn là hình thức tổ chức tự phát nào của sinh viên.

Nhìn lại những gì đã qua, anh Nguyễn Thu Phong - nhà hùng biện của SV’96 trước kia, nay là Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui, kiêm Chủ nhiệm CLB Kiến trúc sư trẻ TP.HCM, tâm sự: "Dầu trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, lễ truyền thống hằng năm của sinh viên kiến trúc bao giờ cũng chan chứa tình đồng môn sâu sắc và là một dịp đáng quý để chúng tôi ôn lại những năm tháng sinh viên đầy sôi động...".

(Trích bài viết của tác giả Quỳnh Như  đăng trên báo Thanh Niên)

 

"THỨC" - LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG KIẾN TRÚC NĂM 2015

>> SV hăng say sáng tạo poster Lễ hội Truyền thống 2015
>> Tưng bừng rước Logo Lễ hội Truyền thống Kiến trúc 2015  
>> Lễ hội truyền thống Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2014
>> Khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể tham gia “Lễ hội truyền thống Kiến trúc 2014”

Kế thừa ưu điểm của Lễ hội truyền thống của sinh viên các năm trước đây, từ năm 2014, Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh chính thức tổ chức Lễ Hội truyền thống theo hướng đổi mới có sự tham dự của viên chức - giảng viên và sinh viên.

Tiếp nối Lễ hội Truyền thống những năm trước, Lễ hội truyền thống 2015 là một cách riêng để giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu, những nét văn hoá mang tính đặc thù ngành nghề đào tạo của sinh viên Kiến và cũng là hoạt động thiết thực tuyên truyền về lối sống đẹp và văn minh tại trường và ngoài xã hội, qua đó, làm đẹp thêm hình ảnh của sinh viên Trường Kiến Trúc nói riêng và hình ảnh của Trường Kiến Trúc nói chung.

Lễ hội truyền thống sinh viên đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm 2015 có chủ đề là “THỨC” với mong muốn gửi đến sinh viên trong toàn trường thông điệp “dừng lại – suy nghiệm và thức tỉnh” ở mọi mặt của đời sống sinh viên của trường từ cách suy nghĩ, sáng tạo; cách học tập – rèn luyện, nhìn nhận nghề nghiệp và hành vi ứng xử trong thực tế,… của sinh viên trong môi trường học tập, sinh hoạt tại trường hướng đến nhìn nhận, duy trì, điểu chỉnh và phát triển các giá trị truyền thống của sinh viên trường ngày một tốt đẹp hơn.


Lễ rửa tội của sinh viên thời Đại học Kiến trúc Sài Gòn. “Cha đẻ” của lễ hội là cố KTS Nguyễn Quang Nhạc, thủ lĩnh sinh viên một thời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Lễ hội truyền thống vẫn được duy trì cho đến ngày nay.- Ảnh: Tư liệu

 

(Trung tâm Truyền thông Tổng hợp)

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh