SHHT về phát huy tính chủ động của SV trong giáo dục các môn Lý luận chính trị

Ngày 04/06/2014

Đề tài sinh hoạt học thuật “Phát huy tính chủ động của sinh viên trong giáo dục các môn Lý luận chính trị tại Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh” do ThS Lê Thị Thanh Bình chủ trì và báo cáo.

Đây là đề tài sinh hoạt học thuật cấp khoa, do khoa LLCT tổ chức, diễn ra sáng ngày 2/6.

Theo ThS Lê Thị Thanh Bình, những năm gần đây mặc dù việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị được tiến hành tích cực, song chất lượng chưa được như mong muốn.

Tác giả Thanh Bình phân tích: thực trạng giảng dạy bằng những phương pháp cũ và các công cụ hỗ trợ như powerpoint, chiếu phim thực tế phần nào đã đáp ứng được như cầu đổi mới của cả giảng viên và sinh viên, bài giảng được tinh gọn hơn, đẹp hơn và đỡ nhàm chán... nhưng còn nhiều hạn chế.

Từ thực trạng trên, tác giả nhận thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay, nhất là đối với các môn lý luận chính trị là rất cấp thiết. Việc đổi mới không chỉ đơn thuần là đổi mới phương pháp, mà trước hết nhằm vào việc đổi mới tư duy học tập của sinh viên, giúp các em trở thành chủ thể thực sự của quá trình dạy học, có hứng thú sáng tạo đối với các môn học...

Thực tế, quá trình đổi mới từ phương pháp dạy học truyền thống sang có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật phần nào giảm tải được sức lao động, áp lực của người giảng viên khi đứng lớp, cũng như kích thích được tinh thần học hỏi của sinh viên ở một góc độ nào đó, nhưng thường không kéo dài, nhất là đối với các môn thuộc khoa học cơ bản.

Từ trăn trở đó, giảng viên Thanh Bình đã tìm tòi, nghiên cứu đề tài “Bản đồ tư duy - là công cụ hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả”

Bài báo cáo của ThS Thanh Bình thu hút 12 ý kiến thảo luận. Các ý kiến đều đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, tìm tòi nghiên cứu nhằm làm mới việc giảng dạy, để sinh viên hào hứng hơn với các môn lý luận chính trị, mà trong đó bản đồ tư duy là một trong những công cụ hỗ trợ giảng bài tương đối hiệu quả.

Phát biểu kết luận buổi sinh hoạt học thuật, tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh – Trưởng khoa Lý luận chính trị nhận định, đề tài sinh hoạt học thuật của ThS Thanh Bình không mới, nhưng nếu ứng dụng vào thành công thì sẽ hiệu quả, tùy thuộc vào bộ môn.

“Tác giả có tinh thần nghiên cứu khoa học, nội dung bài viết đã thể hiện sự nhiệt tình, trăn trở với nhiệm vụ của Khoa, của Trường, của người giảng viên, đề tài sát với yêu cầu của sinh hoạt học thuật cấp khoa… Trong đó, tác giả đã đánh giá được thực trạng, bước đầu chỉ ra nguyên nhân, tìm tòm phương pháp giảng dạy thích hợp. Trong đó, phương pháp bản đồ tư duy mà tác giả đã chọn giới thiệu tại buổi sinh hoạt học thuật ít nhiều bổ ích, phù hợp đối với từng bộ môn cụ thể”, thầy Trịnh nói.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Trịnh cũng lưu ý tác giả bài báo cáo chuyên đề "nên sắp xếp lại nội dung, kết cấu, bổ sung cho phần lý luận. Một số vấn đề thuộc về kiến thức được đóng góp phải bổ sung ngay".

ThS Lê Thị Thanh Bình bày tỏ, đây đề tài là tâm huyết mà tác giả đã nghiên cứu và vận dụng vào chương trình giảng dạy của mình cho sinh viên các khóa thiết kế đô thị 2012 và 2013.

ThS Thanh Bình khẳng định, đây không phải cách làm duy nhất nhằm phát huy tính tích cực trong dạy và học của sinh viên và giảng viên.

Tuy nhiên, trong phạm vi áp dụng “Bản đồ tư duy” cho các bài giảng của mình, cá nhân tác giả thấy phương pháp này bước đầu có hiệu quả, phù hợp với đối tượng người học là các sinh viên kiến trúc vốn giàu tính sáng tạo...

Tác giả cũng chia sẻ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa một số vấn đề về thuật ngữ khoa học, văn phong khoa học, kết cấu khoa học của bài báo cáo chuyên đề mà các thầy cô trong khoa đã góp ý tại buổi sinh hoạt học thuật.

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh