Sinh hoạt học thuật về mối quan hệ giữa kiến trúc và mỹ thuật

Ngày 07/09/2015

Khoa Mỹ thuật (Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh) tổ chức buổi sinh hoạt học thuật chủ đề “Giới thiệu chủ đề Kiến trúc” do NGƯT.PGS.TS.KTS Trịnh Duy Anh – Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc (Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh) trình bày ngày 4/9/2015.

Tham dự buổi sinh hoạt có các giảng viên khoa Mỹ thuật (trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh).


NGƯT.PGS.TS.KTS Trịnh Duy Anh - Nguyên trưởng khoa Kiến trúc (Đại học Kiến trúc TP.HCM)

Buổi sinh hoạt là dịp để các giảng viên khoa Mỹ thuật hiểu thêm về chuyên ngành kiến trúc, mối liên hệ giữa mỹ thuật và kiến trúc qua sự trao đổi của PGS.TS.KTS.Trịnh Duy Anh.

Buổi sinh hoạt được chia làm 4 phần: định nghĩa khái niệm kiến trúc, ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc, các nguyên lý cơ bản trong thiết kế kiến trúc và mối quan hệ giữa kiến trúc và mỹ thuật.

Theo NGƯT.PGS.TS.KTS Trịnh Duy Anh, kiến trúc có thể được quan niệm là một công trình, một quần thể công trình, hay một đô thị. Thiết kế kiến trúc là việc lập các bản vẽ thể hiện kết quả nghiên cứu khoa học kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc để thực hiện việc xây dựng công trình.

Tác giả cũng giới thiệu sơ lược về môi trường kiến trúc, tính khoa học của kiến trúc, nghệ thuật kiến trúc, quy luật tạo hình thẩm mỹ của kiến trúc và quy luật cảm thụ thẩm mỹ…


Đông đủ các giảng viên khoa Mỹ thuật (ĐH Kiến trúc TP.HCM) tham dự buổi sinh hoạt

PGS Trịnh Duy Anh trình bày đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ kiến trúc là không gian. Thầy phân tích đây là khoảng không được tạo ra và giới hạn bởi các bề mặt kiến trúc hoặc giữa bề mặt kiến trúc với không gian bên ngoài.

Theo thầy, nếu như đường nét, mảng màu là phương tiện biểu đạt của nghệ thuật hội họa (trên mặt phẳng); hình khối là phương tiện biểu đạt của nghệ thuật điêu khắc (trong không gian 3 chiều) thì phương tiện biểu đạt của nghệ thuật kiến trúc chính là không gian.

Thiết kế kiến trúc dựa trên 4 yêu cầu gồm: thích dụng, bền chặt, mỹ quan và kinh tế. Tùy theo thể loại công trình và yêu cầu từ phía đặt hàng thì thứ tự ưu tiên của các tiêu chí trên có thể thay đổi.

Bên cạnh đó, thầy Duy Anh chia sẻ những tố chất đòi hỏi ở một người thiết kế như tư chất của một nghệ sĩ tạo hình, một kỹ sư và một nhà xã hội học do thiết kế kiến trúc là một quá trình tư duy tổng hợp, tích hợp nhiều vấn đề, có mối liên quan rộng và một tác phẩm kiến trúc là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau.

Trong bài trình bày, PGS Trịnh Duy Anh cũng phân tích: mối quan hệ giữa kiến trúc và mỹ thuật, điêu khắc và hội họa về cơ bản đều là nghệ thuật đơn tính, trong khi kiến trúc là nghệ thuật lưỡng tính, cũng có những trường hợp kiến trúc đơn tính, hay mỹ thuật lưỡng tính, nhưng cá biệt.

Thầy chia ra các nhóm tác phẩm mỹ thuật có mặt trong môi trường kiến trúc gồm: nhóm điêu khắc (tượng đài, tượng vườn, phù điêu, biểu tượng), nhóm hội họa (tranh treo tường, đồ họa..), nhóm sử dụng chính kiến trúc hoặc các vật thể trong môi trường kiến trúc làm vật thể hiện tác phẩm tạo hình.

M.T

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh